“Eat clean” là một xu hướng dinh dưỡng khá phổ biến trong thời gian gần đây, được nhiều bạn trẻ áp dụng nhằm giảm chất béo trong cơ thể, sở hữu thân hình thon gọn, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện các nguyên tắc “eat clean” đúng cách…
“Eat clean” dịch đơn giản có nghĩa là “ăn sạch”, thông qua tên gọi ta có thể hiểu được phần nào phương pháp này chính là ăn uống các thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, hạn chế nạp các thành phần dinh dưỡng có hại. Nguyên tắc vàng của “eat clean” là tuyệt đối không dùng đường tinh luyện, chất bảo quản, hóa chất hoặc phụ gia, mà chỉ sử dụng thực phẩm dạng nguyên chất.
“Eat clean” khuyến khích ăn nhiều thực phẩm nguyên chất hơn và tránh các thực phẩm đã qua chế biến, tinh chế. Nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng có nhiều điểm nếu không hiểu đúng bạn sẽ rất dễ mắc sai lầm khi áp dụng phương pháp “eat clean”. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến.
Quá hà khắc với các nguyên tắc “eat clean”
Để việc áp dụng “eat clean” có hiệu quả, đầu tiên bạn không nên quá hà khắc, gò bó bản thân với các nguyên tắc của phương pháp dinh dưỡng này, phải có một chế độ “ăn kiêng” thật hoàn hảo. Điều này sẽ khiến bạn không thoải mái, tạo áp lực cho bản thân từ đó dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ cuộc.
Chế độ “eat clean” thực sự có thể ăn nhiều loại thực phẩm hơn bạn nghĩ. Thay vì suy nghĩ tiêu cực rằng mình bị giới hạn trong vài loại thực phẩm nhất định, hãy nghĩ về những thứ mình có thể ăn, tập trung vào những món ăn lành mạnh mà bạn yêu thích. Miễn là bạn áp dụng “eat clean” khoảng 80% trong khẩu phần ăn, nếu thỉnh thoảng thưởng thức món ngọt hoặc món khai vị béo ngậy thì cũng không sao.
Không tính đến lượng calo trong các thực phẩm sạch
Một số thực phẩm được khuyến khích trong chế độ “eat clean” như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây, rau và gạo lứt, cùng với protein nạc hữu cơ,… Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích vì nó “sạch”. Thực tế các thực phẩm này vẫn chứa hàm lượng calo nhất định nên bạn vẫn cần chú ý đến khẩu phần ăn.
Ví dụ hạnh nhân là một món ăn nhẹ tuyệt vời, được các chuyên gia dinh dưỡng chấp thuận, nhưng một khẩu phần ăn chỉ hơn 20 hạt hạnh nhân đã chứa tới 164 calo. Nếu bạn không theo dõi số lượng thức ăn nạp vào, lượng calo có thể tăng lên khá nhanh. Chắc chắn bạn sẽ không muốn điều này chút nào.
Mặc định rằng có thể ăn các loại đường tự nhiên thoải mái
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong chế độ “eat clean” là cắt giảm lượng đường. Và hiển nhiên đường tinh luyện sẽ bị loại bỏ trong khẩu phần ăn. Vậy các loại đường “tự nhiên” như đường mía, đường chà là, đường dừa, mật ong, xi-rô hữu cơ thì sao?
Dù là đường tự nhiên thì cũng không có nghĩa là chúng hoàn toàn tốt cho cơ thể và bạn có thể nạp bao nhiêu tuỳ thích. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, phụ nữ không nên bổ sung quá 100 calo từ đường mỗi ngày và nam giới không quá 150 calo dù là bất kỳ loại đường nào, có nguồn gốc tự nhiên hay không. Chính vì vậy, dù là đường nào, bạn vẫn phải kiểm soát mình đang tiêu thụ bao nhiêu calo.
Rập khuôn với quy tắc 5 thành phần
Một nguyên tắc “bất thành văn” được rất nhiều người chia sẻ khi áp dụng “eat clean” là nếu một loại thực phẩm có nhiều hơn 5 thành phần ghi trên nhãn thì đừng ăn. Điều này có thực sự đúng?
Đúng là nên tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn với một danh sách dài các thành phần, nhưng cũng có rất nhiều loại thực phẩm lành mạnh với nhiều thành phần khác nhau. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải xem nhãn và tìm hiểu trong thực phẩm đó có chứa những gì.
Đừng quá rập khuôn với nguyên tắc 5 thành phần, đôi khi bạn sẽ bỏ qua một số loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Ví dụ như các loại nước ép, sinh tố hay salad,… là những thực phẩm kết hợp nhiều loại trái cây, rau quả, rất tốt cho cơ thể.
Suy nghĩ sản phẩm “hữu cơ” hoặc “thuần chay” là tốt cho sức khỏe
Đừng quá tin vào những lời quảng cáo hay dòng chữ bắt mắt trên bao bì. Những cái mác “hữu cơ” hoặc “thuần chay” không đảm bảo là thực phẩm đó hoàn toàn tốt cho sức khỏe.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một sản phẩm có ghi “hữu cơ” trên bao bì chỉ cần có 30% được làm từ các sản phẩm hữu cơ, hay một muốn đóng dấu hữu cơ thì chỉ cần có 70% hữu cơ. Những sản phẩm đó có thể sử dụng các thành phần chứa đầy chất phụ gia, đường tinh luyện và dầu để ngon hơn và có thời hạn sử dụng lâu hơn. Chính vì vậy, hãy đọc kỹ nhãn dinh dưỡng và xem danh sách thành phần trước khi quyết định đưa vào khẩu phần ăn.
Để phương pháp này có hiệu quả, một điều quan trọng là bạn phải xem nó như một lối sống tốt chứ không phải là một chế độ ăn kiêng. Và nếu lối sống này được duy trì thì bạn sẽ ngày càng khoẻ mạnh, cơ thể cân đối.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Chế độ ăn eat clean mang lại 5 lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
- Eat clean: Bí quyết nào để ăn sạch sống khỏe?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!